Doanh nghiệp có cần chuyển khoản vay sang ngân hàng mới?

Doanh nghiệp có cần chuyển khoản vay sang ngân hàng mới?

Với đặc thù của mảng tài chính, Doanh nghiệp và Ngân hàng luôn muốn giữ mối quan hệ chặt chẽ và lâu bền. Ngân hàng luôn muốn níu chân những Doanh nghiệp uy tín và Doanh nghiệp cũng muốn tập trung vào 1 nhà cung cấp dịch vụ tài chính để dễ dàng giao dịch hơn. Tuy nhiên, trong một số tình huống, tạm thời rời xa và chuyển ngân hàng là một giải pháp phù hợp cho cả 2 bên.

chuyen_doi_ngan_hang
Chuyển khoản vay sang ngân hàng mới

Những lý do doanh nghiệp muốn chuyển khoản vay sang ngân hàng khác

  • Đảo nợ: có nghĩa là khoản vay đến hạn nhưng doanh nghiệp không trả được, phải vay ngân hàng khác để trả. Đây là mục đích mà Ngân hàng Nhà nước không cho phép, ngoại trừ một số trường hợp như vay kinh doanh nhưng thời gian vay mới không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay cũ. Nhìn chung, nghiệp vụ đảo nợ chính thống là phức tạp và khó áp dụng, không giải quyết được vấn đề thật sự của doanh nghiệp.
  • Không còn phù hợp với ngân hàng đang giao dịch: ngoài việc chính sách cho vay của ngân hàng thay đổi như tăng lãi suất, phí, giảm hạn mức cho vay, nguyên nhân còn đến từ việc thay đổi người quản lý khách hàng hay lãnh đạo phê duyệt khoản vay, khiến 2 bên không còn hiểu nhau nữa. Thậm chí có trường hợp Doanh nghiệp không được tái cấp hạn mức tín dụng, thì buộc phải chuyển sang ngân hàng khác.
  • Để đạt được nhiều lợi ích hơn: ngân hàng mới có lãi suất, phí thấp hơn, mức cho vay trên giá trị tài sản bảo đảm cao hơn (vay được nhiều hơn) hoặc thậm chí ngân hàng mới có thương hiệu mạnh hơn, giúp doanh nghiệp gia tăng uy tín.
  • Ngân hàng cũ hết Room: đây là vấn đề thường gặp vào dịp cuối năm do Ngân hàng đã đạt ngưỡng tăng tưởng tín dụng (được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt). Tuy nhiên thời điểm gần đây, tới Quý 3/2022, hầu hết Ngân hàng đều hết Room khiến nhiều doanh nghiệp khó giải ngân kể cả đã có sẵn hạn mức tín dụng.

Chuyển đổi ngân hàng thực hiện như thế nào?

  • Trước hết, Doanh nghiệp cần nộp hồ sơ để Ngân hàng mới thẩm định, xét duyệt khoản vay, bao gồm định giá tài sản bảo đảm (dựa trên giấy tờ bản sao). Thời gian thẩm định thông thường đối với khoản vay ngắn hạn là từ 02 – 04 tuần, tùy thuộc vào thời gian bổ sung hồ sơ và mức độ phức tạp của hoạt động của Doanh nghiệp.
  • Sau khi nhận được cam kết cho vay của Ngân hàng mới, Doanh nghiệp phải trả hết khoản vay cũ bằng cách tự lo dòng tiền trả vào và rút hồ sơ Tài sản bảo đảm (nhà đất, tài sản cố định, và các tài sản khác). Rất nhiều doanh nghiệp mong muốn Ngân hàng mới sẽ hỗ trợ dòng tiền để “mua nợ”, tuy nhiên gặp khó khăn do dễ vướng vào tình huống “Đảo nợ” như đã đề cập ở trên, và rủi ro do Tài sản bảo đảm vẫn có thể vướng tranh chấp bên ngoài (mặc dù đã thế chấp tại ngân hàng rồi).
  • Các thủ tục còn lại khá đơn giản: thế chấp Tài sản bảo đảm với Ngân hàng mới, ký hợp đồng tín dụng và giải ngân đúng mục đích sử dụng vốn theo quy định của Ngân hàng. Thông thường doanh nghiệp phải có hóa đơn, chứng từ hợp lệ (chưa dùng làm mục đích giải ngân ở ngân hàng nào khác) để được giải ngân.

Ngân hàng có sẵn sàng chào đón khách hàng mới?

  • Mỗi Ngân hàng có khẩu vị rủi ro, chính sách ưu tiên khác nhau đối với các phân khúc khách hàng doanh nghiệp (thường phân chia theo doanh thu, ngành nghề). Do vậy, Ngân hàng luôn mong muốn phát triển khách hàng mới và định kỳ điều chỉnh (thay thế) danh mục khách hàng cũ để phù hợp với chiến lược từng thời kỳ.
  • Bên cạnh đó, số lượng Doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc khoảng 700.000 doanh nghiệp, trong đó chỉ 300.000 doanh nghiệp có lịch sử vay ngân hàng (theo thống kê của Trung tâm tín dụng quốc gia Ngân hàng Nhà nước – CIC). Đây chính là nhóm khách hàng có tiềm năng chuyển dịch từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, trong khi hệ thống các Tổ chức tín dụng có gần 100 Ngân hàng (gồm Nhà nước, TMCP trong nước, 100% vốn nước ngoài, Chi nhánh nước ngoài), dẫn đến cạnh tranh giữa các Ngân hàng để thu hút các Doanh nghiệp tốt.
  • Vấn đề còn lại là Doanh nghiệp có sẵn sàng chuyển sang ngân hàng mới hay không, họ có lo “mất cả chì lẫn chài” nếu việc chuyển đổi thất bại? MicroFund sẽ khiến việc này trở nên thuận tiện và tế nhị hơn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian đi lại và hạn chế những suy tư không cần thiết. Điểm đặc biệt nhất, đó là đặt khách hàng vào đúng vị trí “Thượng đế”, và Ngân hàng mới là Nhà cung cấp dịch vụ.

Đăng ký tư vấn tại đây: https://www.microfund.vn/#registerForm

Cuối cùng, bí quyết để doanh nghiệp được nhiều ngân hàng khao khát, đó là hoạt động kinh doanh tăng trưởng, hiệu quả, minh bạch. Nhưng đừng quên đa dạng hóa nhà cung cấp dịch vụ tài chính, để giảm rủi ro cũng như đạt được lợi ích xứng đáng nhất.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *