Bí quyết vay vốn thành công dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Khả năng tiếp cận nguồn vốn luôn là một trong những trở ngại đối với tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
Lý do là vì các doanh nghiệp này thường gặp các yêu cầu khắt khe hơn từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Thông thường, doanh nghiệp SMEs sẽ bị yêu cầu cung cấp tài sản thế chấp cho các khoản vay, và nếu được vay họ chỉ nhận được khoản vay với tỷ lệ khoảng hơn 50% tổng giá trị tài sản thế chấp (đọc thêm về thực trạng hoạt động tài trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đây).
Khó khăn chồng chất khó khăn, đại dịch Covid-19 đã làm cho nhiều doanh nghiệp nhỏ lao đao, phần lớn trong số họ phải tranh giành nguồn tài trợ vốn đã rất khan hiếm.
Sau đây là các bí quyết giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn dễ dàng và nhanh chóng hơn, giúp doanh nghiệp có nguồn vốn lưu động kịp thời nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn, ổn định vận hành, sản xuất, kinh doanh và phục hồi nhanh nhất có thể.
1. Chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng
Mỗi ngân hàng và tổ chức tín dụng đều có những yêu cầu vay vốn và hồ sơ khác nhau. Vì vậy, các doanh nghiệp SMEs cần nắm vững các yêu cầu này và dành đủ thời gian chuẩn bị trước tất cả các tài liệu cần thiết. Điều này có lợi cho bản thân doanh nghiệp và bên cho vay khi quá trình thẩm định được xúc tiến nhanh hơn.
Các tài liệu cần chuẩn bị bao gồm:
– Hồ sơ pháp lý (giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, điều lệ, giấy tờ nhân thân của người đại diện…)
– Hồ sơ tài chính (báo cáo thuế, tờ khai VAT, hóa đơn đầu vào, hóa đơn đầu ra, …)
Khi xét duyệt hồ sơ cho vay, ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ xem xét thông tin về dòng tiền của doanh nghiệp có thể chi trả cho các khoản chi phí và trả nợ vay cho doanh nghiệp hay không. Dòng tiền thu vào càng mạnh càng chứng minh doanh nghiệp có đủ khả năng chi trả đúng hạn và có khả năng quản lý các chi phí phát sinh ngoài dự kiến.
– Hồ sơ tín dụng (sao kê tài khoản ngân hàng của công ty, tất cả các giao dịch tín dụng của doanh nghiệp, tình hình trả nợ trong vòng 12 tháng gần nhất…)
Một trong những yếu tố quan trọng mà các ngân hàng và tổ chức tín dụng xem xét là uy tín của người đi vay và người bảo lãnh hoặc theo dõi lịch sử thanh toán các khoản nợ. Tại Việt Nam, các ngân hàng/ tổ chức tín dụng sẽ tham khảo báo cáo tín dụng từ trung tâm thông tin tín dụng quốc gia để kiểm tra thông tin này. Chỉ Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) được chấp thuận bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới được phép thu thập thông tin tín dụng về cá nhân và doanh nghiệp.
2. Phác thảo chi tiết mục đích và kế hoạch sử dụng vốn vay
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải hiểu rõ về mục đích cho khoản vay đang mong muốn. Doanh nghiệp cần chuẩn bị một kế hoạch sử dụng vốn vay chi tiết, nêu rõ mục đích sử dụng nguồn vốn là gì (giải quyết vấn đề thu mua nguyên vật liệu, trả lương cho nhân viên…), kèm theo giấy tờ kinh doanh, chiến lược tăng trưởng hay kế hoạch phát triển doanh nghiệp.
Một kế hoạch tốt sẽ tiết lộ các dự báo tài chính khả thi của doanh nghiệp, là cơ sở để ngân hàng và các tổ chức tín dụng xem xét đồng ý cấp vốn.
3. Tận dụng tài sản thế chấp nếu được yêu cầu
Nguồn tài sản thế chấp sẽ giúp chứng minh cho ngân hàng và tổ chức tín dụng thấy rằng doanh nghiệp có thể đảm bảo cho việc chi trả các khoản vay khi có bất kì sự cố nào xảy ra.
Các nguồn tài sản thế chấp thông dụng bao gồm bất động sản hay trang thiết bị, hàng hóa đang lưu kho hay hóa đơn thương mại chưa thanh toán. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng yêu cầu tài sản thế chấp sẽ thay đổi tùy thuộc từng loại sản phẩm vay mà doanh nghiệp đăng ký.
Tóm lại, sử dụng vốn vay từ ngân hàng là một lựa chọn hiệu quả giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua các giới hạn về nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Muốn vay vốn thành công, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nghiên cứu và chuẩn bị thật kỹ hồ sơ; đảm bảo tuân thủ đúng quy trình và tiêu chí mà ngân hàng và tổ chức tín dụng yêu cầu.
Để được tư vấn và hỗ trợ miễn phí về các chương trình vay vốn tín chấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, vui lòng liên hệ tại đây.
Leave a Reply