Hội thảo “Nắm bắt cơ hội trong biến động, chiến lược dành riêng cho doanh nghiệp SME”
Ngày 20/09 vừa qua, VnExpress phối hợp với Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) tổ chức hội thảo với chủ đề “Nắm bắt cơ hội trong biến động, chiến lược dành riêng cho doanh nghiệp SME”. Tham gia sự kiện, các doanh nghiệp được chia sẻ, giải đáp và nhận tư vấn trực tiếp từ chuyên gia theo nhu cầu thực tế để có thể nhanh chóng thích ứng, hướng tới kết quả kinh doanh khả quan trước các biến động của nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được tư vấn cụ thể về quy trình, cách tiếp cận vốn lưu động dành cho doanh nghiệp từ ngân hàng MSB để phục vụ hoạt động kinh doanh.
Sau đây là một số nội dung chính của hội thảo, được MicroFund tổng hợp lại.
1. Phân tích biến động thị trường thế giới và tác động đến thị trường trong nước, nhất là tác động vào chuỗi cung ứng, tỷ giá, tín dụng…
1.1. Tổng hợp tình hình kinh tế thế giới 8 tháng đầu năm 2022
Thứ nhất, lạm phát tăng toàn cầu ở mức cao. Theo số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 16/9, tỷ lệ lạm phát tại Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên mức kỷ lục 10,1% trong tháng 8, tăng đáng kể so với mức 9,8% của tháng 7. Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 là 9,1%, cao hơn mức 8,9% trong tháng 7. Các tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2021 khi lạm phát tại Eurozone chỉ là 3% và toàn EU là 3,2%.
Thứ hai, đồng USD tăng giá ở mức cao nhất trong vòng 20 năm qua, làm gia tăng mối lo về lạm phát đối với các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Sự tăng giá của đồng USD trong năm nay là hệ quả của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát. Việc Fed tăng lãi suất khuyến khích nhà đầu tư trên toàn cầu rút tiền khỏi các thị trường khác để đầu tư vào các tài sản Mỹ vì các tài sản này đang mang lại lợi suất cao hơn. Tuy nhiên, đối với phần còn lại của thế giới, sự tăng giá của đồng USD gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang trượt dần vào suy thoái và “một loạt cuộc khủng hoảng tài chính tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ gây ra tổn thất lâu dài”.
Thứ ba, áp lực lạm phát khiến các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia trên thế giới quyết định nâng lãi suất để điều hành chính sách tiền tệ, điều tiết vĩ mô. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát là “con dao hai lưỡi”, bởi có thể khiến tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh.
Thứ tư, các doanh nghiệp sản xuất đang đối diện với hàng loạt khó khăn khi chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh, giá đầu vào bị đội lên rất cao trong khi đầu ra vẫn chưa khởi sắc.
Thứ năm, thị trường lao động toàn cầu bị đứt gãy và chưa hồi phục hoàn toàn. Năm 2021 vừa qua được xem là năm ‘đại nghỉ việc’ của nền kinh tế thế giới khi số lao động nghỉ việc tăng kỷ lục. Tâm lý lo sợ, mệt mỏi vì dịch Covid-19 cũng như thu nhập và phúc lợi giảm, lượng người lao động nghỉ việc, tận dụng những cơ hội việc làm từ xa để tìm kiếm những công việc tốt hơn, lương cao hơn đã tăng lên đáng kể và tạo nên làn sóng “nhảy việc” khổng lồ, làm chao đảo thị trường lao động. Khi đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, ngoài việc phải tăng cường tuyển dụng để bù đắp số lao động nghỉ việc, nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải điều chỉnh mức tiền lương cho người lao động. Điều này làm dấy lên lo ngại về lạm phát lương có thể diễn ra trên diện rộng.
1.2 Tình hình kinh tế trong nước 8 tháng đầu năm
Thứ nhất, tình hình kinh tế – xã hội trong nước khởi sắc với nhiều điểm sáng, Việt Nam được ngân hàng thế giới (WB), ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức tín dụng khác đánh giá sẽ là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023. Ngoài ra, công ty đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định. Việc tổ chức Moody’s nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức là hết sức tích cực, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực của Việt Nam.
Thứ hai, 5 cân đối lớn được bảo đảm tốt, gồm thu-chi ngân sách (thu ngân sách 8 tháng ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021); xuất–nhập khẩu (xuất nhập khẩu 8 tháng đạt gần 498 tỷ USD, tăng 15,5%, xuất siêu 3,96 tỷ USD); lương thực–thực phẩm (xuất khẩu nông sản khoảng 36,3 tỷ USD, trong đó có khoảng 5 triệu tấn gạo); bảo đảm đủ điện, năng lượng dù sản xuất tăng cao; doanh nghiệp phát triển nhưng cung-cầu lao động bảo đảm, thị trường lao động phục hồi tốt.
Thứ ba, nền kinh tế tiếp tục phục hồi. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh. Chỉ số IIP tháng 8 tăng 2,9% so tháng trước, tăng 15,6% so cùng kỳ và 8 tháng tăng 9,4%.
Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành: Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 8 tháng đạt gần 3,68 triệu tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ. Khách quốc tế tháng 8 đạt trên 486.000 lượt, tăng 38% so với tháng trước.
Thứ tư, vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng tăng. Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước 8 tháng đạt trên 285,4 nghìn tỷ, bằng 51% kế hoạch, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 12,8 tỷ USD tăng 10,5%, cao nhất từ năm 2018 đến nay.
Thứ năm, phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực; số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động 8 tháng là gần 150.000 doanh nghiệp (gấp 1,43 lần số doanh nghiệp rời khỏi thị trường). Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng là gần 3,64 triệu tỷ đồng, tăng 36,1% so với cùng kỳ.
1.3 Tác động đến thị trường trong nước và chuỗi cung ứng, tỷ giá, tín dụng
Thứ nhất, các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về đầu vào và cả đầu ra. Việc đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến giá nguyên liệu tăng cao, nhiều doanh nghiệp có số lượng hàng tồn kho đang cao nhất 10 năm trở lại đây. Cùng với đó là tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào của không ít ngành nghề. Có những doanh nghiệp sản xuất sụt giảm sản lượng đến hơn 50%.
Thứ hai, áp lực về vốn đè nặng lên cộng đồng doanh nghiệp, trong đó các nhà sản xuất vừa và nhỏ (SMEs), dẫn đến doanh số giảm, nguồn vốn cạn kiệt, thời gian trì hoãn thanh toán kéo dài làm “đứt gãy” dòng tiền kinh doanh.
Thứ ba, các doanh nghiệp trong nước đối mặt với vấn đề cấp bách hiện nay là cần chủ động nguồn nguyên vật liệu, tìm nguồn nguyên vật liệu từ các đối tác khác, tránh tình trạng lệ thuộc nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ một thị trường.
Thứ tư, biến động tỷ giá đang tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Biến số tỷ giá ngoài tác động đến các khoản nợ vay của các doanh nghiệp còn trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp phải ghi nhận các khoản lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá thường đến từ việc tỷ giá thay đổi giữa thời gian ghi nhận giao dịch và thời gian thanh toán thực tế. Thực tế hiện nay, phần lớn giao dịch thương mại của các doanh nghiệp xuất khẩu ở nước ta được thực hiện bằng USD nên các bước nhảy của tỷ giá USD/VND đều có thể phát sinh các khoản lãi/lỗ. Nếu như các doanh nghiệp xuất khẩu có thể hưởng lợi khi đồng USD tăng giá thì ở chiều ngược lại, nhập khẩu phải đội thêm một khoản chi phí để bù đắp khoản chênh lệch do biến động này. Trong khi đó, đồng euro đã xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua, tiếp tục tiến gần về “ranh giới” ngang giá với đồng USD, giữa bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại một cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ đẩy nền kinh tế châu Âu vào suy thoái. Lợi nhuận của doanh nghiệp vốn đang chịu nhiều tác động bởi các chi phí đầu vào như: xăng dầu, giá nguyên liệu.
2. Cách thức doanh nghiệp SMEs biến thách thức thành cơ hội – Tư vấn về cách quản trị, tiếp cận vốn và sử dụng vốn hiệu quả cho doanh nghiệp SMEs
Trước các thách thức không hề nhỏ từ thị trường trong nước và toàn cầu, các chuyên gia cho rằng biến động tỷ giá, suy thoái tăng trưởng, đứt gãy chuỗi cung ứng chỉ là vấn đề nhất thời, quan trọng nhất là nội lực của doanh nghiệp.
Thứ nhất, chủ doanh nghiệp phải luôn trau dồi kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Để có thể chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua bão lớn, lãnh đạo cần trau dồi và phối hợp nhiều kỹ năng cùng chuyên môn ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Thứ hai, doanh nghiệp cần chú trọng phát triển đội ngũ kế cận. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do còn tập trung nhiều vào doanh thu nên có xu hướng không chú trọng hoạch định chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn, trở nên thụ đông trong việc thiết lập một đội ngũ chủ chốt. Việc xây dựng một đội ngũ kế cận đủ tầm đủ tài sẽ giúp doanh nghiệp phát triển vững mạnh hơn, là nguồn năng lực bổ trợ cho những thiếu sót khi mở rộng quy mô, giảm chi phí đầu tư, hạn chế rủi ro trong kinh doanh và tình trạng chảy máu chất xám.
Thứ ba, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng văn hóa công ty. Đại dịch Covid-19 như một thước đo mối quan hệ, sự hài lòng thật sự giữa lãnh đạo và nhân viên. Bởi trong khủng hoảng, nhân viên có thể thấy sự quyết tâm giữ vững công ăn việc làm của người lãnh đạo, lãnh đạo thấy được ý chí đồng lòng vượt khó cùng doanh nghiệp của nhân viên.
Thứ tư, doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi số kịp thời. Chuyển đổi số không đơn thuần chỉ là vấn đề đầu tư thiết bị công nghệ, đó còn là vấn đề văn hóa và con người. Việc ứng dụng các công nghệ mới để thích ứng với đại dịch đã trở thành nhu cầu cấp thiết đối với nhiều doanh nghiệp cả trên thị trường quốc tế và Việt Nam. Trong 2 năm qua, hình thức làm việc tại nhà do dịch Covid-19 đã tạo ra “đòn bẩy” để quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp trở nên mạnh mẽ hơn, mang đến “làn gió mới” trong cách thức làm việc của nhân viên. Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, các công ty, doanh nghiệp cần chuyển đổi mô hình sang làm việc online. Đây cũng là một cơ hội để mọi người làm việc trên nền tảng internet, làm việc từ xa, làm việc ở bất kỳ không gian nào.
Thứ năm, các doanh nghiệp cần chủ động rà soát và khắc phục những yếu kém để có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Một số vấn đề còn tồn đọng là: khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn ngân hàng còn hạn chế, năng lực tài chính yếu kém, không xây dựng được phương án/dự án sản xuất kinh doanh khả thi và có hiệu quả; nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý, thiếu công khai và minh bạch thông tin. Bên cạnh đó, tính hiệu quả trong hoạt động của SMEs chưa cao, thiếu tài sản để bảo đảm cho khoản vay theo quy định hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp; chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ đã vay…
Hiện nay, nhiều ngân hàng đã có gói tài trợ riêng dành cho SMEs, cấp hạn mức tín chấp dựa trên lịch sử tín dụng. Ví dụ ngân hàng MSB triển khai các gói vay tín chấp cho doanh nghiệp SMEs, quyết định cho vay dựa trên: năng lực tài chính, phương án kinh doanh, lịch sử quan hệ tín dụng…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể nâng cao cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay thông qua MicroFund – một nền tảng kết nối Doanh nghiệp nhỏ SMEs vay tín chấp tại các Ngân hàng và Tổ chức uy tín. Đăng ký tại đây để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Leave a Reply