Archives November 2022

Tầm quan trọng của mạng lưới quan hệ và cộng đồng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là xương sống của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Điều này đặc biệt đúng với Việt Nam, nơi các doanh nghiệp SME đóng góp gần 70% GDP và 80% việc làm trong năm 2020 (theo Forbes Vietnam).

Chúng ta đều biết rằng môi trường hỗ trợ càng nhiều thì các doanh nghiệp càng có nhiều khả năng vươn lên thành công, thậm chí trong giai đoạn khủng hoảng. Tại Việt Nam, Chính phủ, các ban ngành và đoàn thể đã triển khai nhiều giải pháp hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, một mạng lưới quan hệ kinh doanh mạnh là cũng một trong những yếu tố quan trọng đối với sự tồn tại và khả năng phát triển của các doanh nghiệp này.

1. Giá trị của mạng lưới quan hệ và cộng đồng đối với sự thành công của các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong thế giới kinh doanh, một kết nối duy nhất với đúng người cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Kết nối với những người cùng chí hướng sẽ mang lại cho bạn cơ hội kinh doanh trong tương lai. Ngoài ra, bằng cách trở thành một phần của các cộng đồng phù hợp, chủ sở hữu SME có thể tiếp xúc với nhiều ý tưởng và hiểu biết sâu sắc từ các chủ doanh nghiệp khác thông qua việc học tập từ đồng nghiệp.

Việc tham gia một cộng đồng có cùng đặc điểm giúp các thành viên có cơ hội được tham gia các diễn đàn, hội thảo chuyên sâu cho từng ngành nghề cụ thể, có quyền truy cập, cập nhật các xu hướng và thông tin chi tiết mới nhất về thị trường. Ngoài ra, các thành viên còn nhận được những ưu đãi đặc biệt từ chính mạng lưới cộng đồng đó cho nhu cầu kinh doanh của mình.

MỐI QUAN HỆ XÃ HỘI LÀNH MẠNH - VOGE
Tầm quan trọng của mạng lưới quan hệ và cộng đồng đối với doanh nghiệp.

2. Một số cộng đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

Hiểu được tầm quan trọng của mạng lưới quan hệ trong kinh doanh, các ban ngành, đoàn thể và các nhóm doanh nghiệp đã tích cực xây dựng các tổ chức, cộng đồng là nơi các doanh nghiệp giao lưu, học hỏi và xúc tiến thương mại. Sau đây là một số cộng đồng mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam có thể tham gia:

– Tổ chức kết nối thương mại toàn cầu (Business Network International, viết tắt là BNI): là tổ chức kết nối thương mại lớn nhất và thành công nhất trên thế giới. BNI được Tiến sĩ Ivan Misner sáng lập vào năm 1985. Hiện nay, BNI đã có hơn 10.821 Chapters với hơn 292.000 thành viên tại hơn 79 quốc gia trên toàn cầu. Hiện tại, BNI Việt Nam đã có 8.297 Thành viên với 197 Chapter tại các vùng, tỉnh thành lớn trên cả nước. Trong 12 tháng qua, thành viên BNI Việt Nam đã trao nhau 420.153 cơ hội kinh doanh với tổng giá trị các thương vụ lên đến hơn 15.463 tỷ đồng.

– Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vietnam Association of Small and Medium Enterprises – viết tắt là VINASME): đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp phi chính phủ, phi lợi nhuận của những người và các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc mọi thành phần kinh tế đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Cho đến nay, VINASME đã có 80.000 hội viên là doanh nghiệp, ở 59/63 tỉnh, thành trên cả nước, thể hiện sự đoàn kết, liên kết để cùng nhau phát triển bền vững của giới doanh nhân.

– Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Vietnam Chamber of Commerce and Industry, viết tắt là VCCI) là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, chủ lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam. Hoạt động của VCCI nhằm mục đích phát triển, bảo vệ và hỗ trợ các doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học – công nghệ giữa Việt Nam với các nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.

Như vậy, mạng lưới quan hệ và kết nối cộng đồng là một trong những yếu tố quan trọng, giúp kích hoạt và phát triển hoạt động kinh doanh, nâng cao kiến ​​thức và mở rộng phạm vi ảnh hưởng. MicroFund tin rằng, một mạng lưới thành công luôn bắt đầu với mong muốn chân thành trong việc xây dựng các mối quan hệ cho mục đích trao và nhận cơ hội kinh doanh. Khi ai đó kết nối chỉ để nhận mà không trao đi, họ sẽ không bao giờ thành công. Đây cũng là tôn chỉ hoạt động của công ty trong suốt 4 năm qua.

Chúc mừng kỷ niệm 4 năm thành lập công ty MicroFund

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 4 ngày thành lập công ty (27.11.2018-27.11.2022) thay mặt Ban lãnh đạo Công ty, xin thân gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả Quý Anh, Chị công nhân viên trong đại gia đình MicroFund, những người đã cống hiến tuổi trẻ và tâm huyết của mình cho sự phát triển của Công Ty.

Chúc mừng kỷ niệm 4 năm thành lập công ty MicroFund

Trải qua 4 năm xây dựng và phát triển, MicroFund đã dần khẳng định tên tuổi và thương hiệu, tạo dựng lòng tin vững chắc, là người bạn đồng hành đáng tin cậy đối với quý khách hàng, quý doanh nghiệp. Tin rằng với quyết tâm và sự đoàn kết của một tập thể đã gắn bó suốt những năm qua, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua những thách thức để vững bước tiến lên, tiếp tục làm tròn sứ mệnh của mình và ghi thêm thành tích đưa MicroFund phát triển và thành công hơn nữa.

Một lần nữa, chúc mừng sinh nhật ngôi nhà chung MicroFund. Kính chúc Công ty vươn vai kết nối và mở rộng hơn nữa, hỗ trợ được nhiều hơn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, gặt hái nhiều thắng lợi. Chúc Quý Anh, Chị công nhân viên, Quý khách hàng cùng gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công cùng công ty.

Fintech Là Gì? Fintech đã tác động đến cuộc sống của chúng ta ra sao?

Hiện nay, khái niệm Fintech đang dần trở nên phổ biến và có ý kiến cho rằng Fintech hoàn toàn có thể là sự thay đổi mang tính cách mạng giúp thúc đẩy sự tăng trưởng cho cả nền kinh tế.

Vậy Fintech là gì? Sự xuất hiện của các giải pháp Fintech ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống? Cùng MicroFund tìm hiểu tất cả về Fintech trong bài viết sau đây.

1. Fintech là gì?

Fintech (viết tắt từ Financial Technology – dịch ra là Công nghệ tài chính) là thuật ngữ chỉ việc áp dụng những công nghệ tiên tiến để cải thiện, nâng cao chất lượng của các phương pháp cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống.

Trong lịch sử, Fintech đã xuất hiện từ những năm 1850, cho đến khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển thì thuật ngữ này mới thực sự được công chúng quan tâm.

Ban đầu, Fintech được sử dụng cho công nghệ lưu trữ dữ liệu của các tổ chức tài chính thương mại vào những năm 1800. Sau đó, từ cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, thuật ngữ này được mở rộng bao gồm tất cả những đổi mới công nghệ trong lĩnh vực tài chính như: dịch vụ ngân hàng di động, đầu tư trực tuyến, ví điện tử, cho vay ngang hàng, tiền mã hóa Bitcoin,…

Fintech là gì? Định nghĩa, ví dụ, lợi ích và rủi ro - Blog Kinh Tế
Fintech là gì? Nguồn ảnh: Blog kinh tế.

Tại Việt Nam, Fintech lần đầu tiên được Ngân hàng nhà nước cấp phép hoạt động vào năm 2008 với 9 công ty (theo Tạp chí thị trường tài chính tiền tệ). Cho đến thời điểm cuối năm 2021, số công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính tại Việt Nam đã đạt đến con số 150 công ty. Trên thế giới có tổng cộng đến hơn 10.000 công ty Fintech đang cạnh tranh với các ngân hàng trong lĩnh vực tài chính.

Công ty Fintech được hiểu là những công ty công nghệ triển khai xây dựng nền tảng tài chính số hoặc cũng có thể là những tổ chức tài chính áp dụng kỹ thuật số, công nghệ vào hoạt động của họ.

2. Fintech bao gồm các sản phẩm nào?

Nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của người dùng, Fintech đã cho ra đời nhiều sản phẩm rất ấn tượng, nhưng chủ yếu tập trung ở các phân loại tiêu biểu sau:

– Ví điện tử: Ví điện tử được xem là giải pháp Fintech làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dùng trong chi tiêu tài chính với việc: chuyển nhận tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, mua sắm hàng hóa,… tất cả đều được diễn ra trực tuyến một cách nhanh chóng và tiện lợi. Thông thường ví điện tử của khách hàng sẽ được liên kết với ngân hàng sau đó nạp tiền thì mới có thể thực hiện thanh toán các giao dịch. Một số ví điện tử thông dụng trên toàn thế giới như PayPal, Apple Pay, Venmo. Ở Việt Nam có một số loại ví điện tử như Momo, Zalopay, ShopeePay…

– E-Banking: E-Banking là công cụ quản lý tài chính hiệu quả các giao dịch trên hệ thống Mobile-banking, Internet-banking, SMS-banking,… của ngân hàng. Dịch vụ này sẽ được cung cấp cho khách hàng thực hiện đăng ký và nhận thẻ ATM tại ngân hàng. Mọi hoạt động kiểm tra số dư, lịch sử giao dịch, chuyển tiền, thanh toán đều có thể thực hiện trên E-Banking. Khách hàng không cần mất thời gian di chuyển mà còn tăng tốc độ giao dịch cũng như bảo mật tài khoản. Sự ra đời của E-Banking là minh chứng rõ nét cho sự hợp tác giữa hệ thống ngân hàng với- Fintech.

– P2P Lending: P2P Lending hay còn gọi là cho vay ngang hàng, cho phép người vay tiền kết nối trực tuyến với người cho vay mà không cần qua trung gian là ngân hàng hay tổ chức tài chính nào. P2P Lending mang đến cơ hội vay vốn lãi suất hấp dẫn cùng khả năng giải ngân nhanh cho khách hàng. Đây là cứu cánh tuyệt vời cho những cá nhân hay tổ chức gặp khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp. (Tìm hiểu thêm tại bài viết Cho vay ngang hàng – xu hướng và thực trạng).

Ứng dụng đầu tư chứng khoán: Ứng dụng đầu tư chứng khoán hỗ trợ người dùng thực hiện các giao dịch, theo dõi biến động thị trường và đưa ra các chỉ số phân tích giúp nhà đầu tư có quyết định phù hợp. Một số ứng dụng đầu tư chứng khoán tại Việt Nam như: VnDirect, Finhay, Infina…

– Ứng dụng quản lý ngân sách: Nhờ công nghệ tài chính Fintech mà việc quản lý tài chính cá nhân trở nên dễ dàng hơn thông qua ứng dụng quản lý ngân sách. Ứng dụng giúp người dùng theo dõi các khoản chi tiêu, thu nhập và hỗ trợ thiết lập kế hoạch chi tiêu hiệu quả theo từng quãng thời gian. Một số app quản lý ngân sách tối ưu hiện nay như Money Lover, Spendee, MISA Money Keeper,…

– Mua trước trả sau: Ứng dụng mua trước trả sau là hình thức mua sắm trực tuyến cho phép khách hàng mua sắm mà không cần chi trả 100% chi phí trong một lần. Số tiền này sẽ được chia nhỏ thành nhiều lần theo từng chu kỳ theo thỏa thuận giữa các bên liên quan. Người dùng sẽ không mất bất kỳ chi phí nào nếu thanh toán đúng theo thời hạn quy định.

– Tiền điện tử: Tiền điện tử (Cryptocurrency) là loại tiền mã hóa phi tập trung và hiện vẫn không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan trung ương nào. Tiền được lưu trữ và giao dịch dựa trên các phần mềm hay ứng dụng di động và được thực hiện trên thiết bị smartphone hoặc máy tính. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận sự bảo vệ của loại tiền này theo khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, ở các nước lớn trên thế giới, tiền điện tử đã và đang trở thành phương tiện trao đổi, lưu trữ giá trị và đơn vị đo lường.

3. Tác động của Fintech đối với cuộc sống?

Thông qua khái niệm và các ứng dụng từ Fintech, chúng ta nhận thấy nhiều giá trị mà công nghệ này mang lại cho cuộc sống con người:

  • Dịch vụ tài chính được cải tiến rõ rệt: đây là lợi ích lớn nhất và nhận thấy rõ ràng nhất của Fintech. Nhờ công nghệ này, ngân hàng cung cấp dịch vụ đến khách hàng nhanh chóng hơn, tối ưu chi phí và hoàn toàn không bị giới hạn bởi không gian, thời gian;
  • Cải tiến phương thức giao dịch: phương thức giao dịch được chuyển đổi từ tiền mặt sang giao dịch trực tuyến bằng các dịch vụ ngân hàng số chất lượng như ví điện tử, internet banking…
  • Giải pháp tiếp cận dịch vụ tài chính tối ưu: Fintech giúp người dùng tiếp cận dịch vụ tài chính dễ dàng chỉ với một chiếc điện thoại. Phương thức vay vốn dễ dàng, không cần tài sản cầm cố mà còn có lãi suất hấp dẫn.

Như vậy, Fintech là một lĩnh vực mới, có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong tương lai. Sự bùng nổ của FinTech đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các định chế tài chính và cơ quan quản lý trên thế giới, Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó. Với những tính năng ưu việt của mình, Fintech sẽ là một công cụ hữu hiệu để giúp tiến tới mục tiêu cung cấp tài chính toàn diện và tác động tích cực đối với cuộc sống.

Nâng cao hiệu quả quản trị dòng tiền tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Dòng tiền được xem là yếu tố then chốt tạo sự ổn định trong hoạt động, khả năng chi trả và quyết định sự sống còn của doanh nghiệp (DN). Tại thời điểm thị trường có nhiều biến động như hiện nay, việc quản trị dòng tiền hiệu quả sẽ giúp các DN, đặc biệt là các DNNVV biến thách thức thành cơ hội. Bài viết trình bày một số nội dung liên quan đến quản trị dòng tiền tại các DNNVV cũng như đưa ra một số gợi ý để quản trị dòng tiền hiệu quả tại các DN này.

Tầm quan trọng của quản trị dòng tiền trong doanh nghiệp

Quản trị dòng tiền hay quản lý dòng tiền là hoạt động hoạch định và tổ chức điều khiển để cân đối dòng tiền ra, dòng tiền vào vào theo yêu cầu của hoạt động của DN nhằm tối đa hóa giá trị của DN. Xét theo thời hạn phát sinh dòng tiền có thể chia dòng tiền của một DN thành 2 loại là dòng tiền dài hạn và dòng tiền ngắn hạn.

Quản trị dòng tiền một cách hiệu quả là yêu cầu cực kỳ bức thiết, quyết định trực tiếp đến sự sống còn của cả một DN. Sự thiết hụt tiền mặt ở mức độ nghiêm trọng, ví dụ như khi nợ đến hạn phải trả cho ngân hàng hoặc nhà cung cấp nhưng DN không có tiền mặt sẵn sàng để thanh toán, DN hoàn toàn có thể bị khởi kiện và yêu cầu tuyên bố phá sản.

Ngược lại, sự dư thừa tiền mặt của DN sẽ dẫn đến việc tiền mặt không được sử dụng hiệu quả và đúng lúc, dẫn đến sự lãng phí trong khi DN phải vay vốn ngân hàng hoặc các quỹ tín dụng với lãi suất cao. Điều này một lần nữa sẽ thể hiện sự yếu kém trong hoạt động quản trị tài chính DN.

Chính vì vậy, cần phải có sự hoạch định điều khiển sự vận động ra vào của dòng tiền phát sinh trong quá trình hoạt động đảm bảo sự cân đối giữa dòng tiền vào và dòng tiền ra trong quá trình hoạt động của DN.

8 mẹo nhỏ để quản lý dòng tiền trong doanh nghiệp - CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT  TRIỂN SJK VIỆT NAM

Khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc quản trị dòng tiền

Đối với các DNNVV ở Việt Nam hiện nay, trong quản trị dòng tiền còn gặp phải một số khó khăn nhất định như sau:

Thứ nhất, các DNNVV Việt Nam có năng lực quản trị tài chính chưa tốt.

Ở Việt Nam, các DNNVV chiếm khoảng 98% số DN (khoảng 700.000 DN), cung cấp việc làm cho 78% lực lượng lao động và đóng góp 49% vào GDP, và 41% tổng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động của các DNNVV gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mỗi tháng có khoảng 7000 DN đóng cửa, trong đó chủ yếu là DNNVV. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các DNNVV Việt Nam có năng lực quản trị tài chính yếu: quy mô nhỏ, khả năng huy động vốn còn hạn chế, đầu tư vào tài sản cố định và đầu tư dài hạn còn ít, khả năng quản trị vốn còn nhiều bất cập, khả năng sinh lời thấp.

Thứ hai, nhà quản trị DN thiếu nhiều kỹ năng quan trọng, trong đó có kỹ năng quản trị dòng tiền.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho các DNNVV ở Việt Nam không đứng vững trong một thị trường có quá nhiều biến động đó là nhiều nhà quản trị DN thiếu kỹ năng để quản trị DN hiệu quả, đặc biệt về quản trị tài chính. Nhiều nhà quản trị DN không trực tiếp hoặc không muốn trực tiếp liên quan đến hoạt động quản trị tài chính của DN. Điều này có thể do họ quá quá bận rộn với các hoạt động khác của DN như sản xuất, tìm kiếm thị trường, quản trị nhân sự, hoặc không có kiến thức cũng như không quan tâm đúng mức đến các hoạt động tài chính và quản trị tài chính. Họ dựa nhiều vào bộ phận kế toán của DN, tuy nhiên không phải DN nào cũng có bộ phận kế toán riêng. Rất nhiều DNNVV thuê kế toán bên ngoài để lập sổ sách kế toán của DN, và các sổ sách này chủ yếu phục vụ kế toán thuế.

Thứ ba, tình trạng thiếu vốn là phổ biến đối với các DNNVV tại Việt Nam hiện nay.

Một trong những rào cản lớn nhất cho sự phát triển của các DNNVV là thiếu vốn. Các DN khởi nghiệp thiếu vốn đã đành nhưng các DN đã hoạt động cũng thiếu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Nhiều DN tăng trưởng tốt, lợi nhuận cao nhưng vẫn thiếu vốn. Vốn là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại cho một DNNVV. Nhiều DN nhận thức được rằng kiểm soát dòng tiền hiệu quả là mối quan tâm lớn nhất của họ.

Quản trị dòng tiền là một trong những nội dung quan trọng nhất trong quản trị tài chính của các DNNVV. Tuy nhiên, nhiều DN không phân biệt được lợi nhuận và dòng tiền. Kế toán tổng hợp không tập trung vào dòng tiền, mà tập trung vào thu nhập ròng hoặc lợi nhuận. Nhiều DN có lợi nhuận nhưng vẫn gặp vấn đề về dòng tiền.

Nâng cao hiệu quả quản trị dòng tiền đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Để nâng cao hiệu quả quản trị dòng tiền đối với các DNNVV tại Việt Nam, cần chú trọng các nội dung sau:

Một là, chìa khóa quan trọng để quản trị dòng tiền hiệu quả là lập ngân sách và dự báo.

Các DN nên chuẩn bị một kế hoạch tài chính. Thông thường, các DNNVV nên lập kế hoạch ngân sách theo năm bao gồm dự đoán doanh thu và chi phí của DN hàng tháng. Từ nguồn này, các DN sẽ có cơ sở số liệu liên quan đếnthu nhập và dòng tiền ra hàng tháng. Ngân sách dự đoán lợi nhuận của DN, trong khi dự báo dòng tiền dự đoán dòng tiền ròng. Trên cơ sở dự báo dòng tiền, DN sẽ có kế hoạch gọi vốn cho các trường hợp thiếu hụt dòng tiền.

Bất cứ một việc làm gì, để đạt được tác dụng tốt thì điều kiện kèm theo cần là phải có một kế hoạch rõ ràng. Việc sử dụng tiền cũng vậy, để nguồn kinh tế tài chính trong DN được sử dụng một cách tối ưu nhất thì DN cần phải lập kế hoạch dòng tiền định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý. Kế hoạch cũng là cơ sở để DN kiểm tra, nhìn nhận được hiệu quả sử dụng tiền, từ đó đưa ra được những giải pháp quản trị dòng tiền đúng đắn. Vì vậy, một trong những nguyên tắc để quản trị hiệu quả dòng tiền trong DN là phải kiến thiết xây dựng được một kế hoạch dòng tiền rõ ràng .

Hai là, DNNVV cân nhắc nguồn huy động.

Khi gặp thiếu hụt tiền mặt, các DN thường có hai lựa chọn: hoặc huy động thêm vốn chủ sở hữu (tức là bỏ thêm tiền của mình vào), hoặc huy động vốn vay từ bên ngoài (ngân hàng, thị trường tài chính). Do hạn chế về việc tiếp cận thị trường tài chính, các DNNVV thường sử dụng vốn chủ sở hữu, ít sử dụng các nguồn vốn chính thức bên ngoài để tài trợ cho hoạt động của mình. Nhiều khảo sát trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy, rất nhiều DNNVV trả lời họ không có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Theo kết quả khảo sát 996 DN Việt Nam (Enterprise Survey) của World Bank từ 2014 đến 2016, khó khăn về tiếp cận vốn được đánh giá là rào cản lớn nhất của DN, tuy nhiên chỉ có 28,8% DN khảo sát có sử dụng vốn vay ngân hàng.

Khảo sát các DN không đi vay, kết quả cho thấy một tỷ lệ lớn các DN trả lời do không muốn bị nợ và/hoặc cho rằng các khoản vay quá rủi ro. Điều này có thể gợi ý rằng, các DNNVV có thể không nhận thức được lợi ích và việc sử dụng vốn vay hợp lý. Do đó, cần thay đổi nhận thức của các DNNVV về việc sử dụng vốn vay. Nếu sự ác cảm với các khoản vay này không được giải quyết, nó có thể là một trở ngại đáng kể cho sự tăng trưởng của các DNNVV, vì hầu hết các dự án mở rộng đều được tài trợ bằng vốn vay. Thông thường, lợi nhuận không đủ lớn để tài trợ cho các kế hoạch mở rộng và việc chỉ dựa vào nguồn vốn nội bộ có thể kìm hãm sự phát triển của các DN. Hiện nay, chính phủ và các ngân hàng, tổ chức tài chính đã đưa ra nhiều chính sách giúp DNVVN tận dụng nguồn vốn trong kinh doanh, xem thêm các bí quyết giúp DNVVN vay vốn thành công tại đây.

Nguồn: ThS. Nguyễn Thùy Thương, Trường Đại học Công đoàn

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 6/2022