Doanh nghiệp do Phụ nữ làm chủ: 9 quan niệm sai lầm phổ biến

Doanh nghiệp do Phụ nữ làm chủ: 9 quan niệm sai lầm phổ biến

Một số quan niệm sai lầm hiện đang ảnh hưởng đến hình ảnh và tiềm năng tăng trưởng của các doanh nhân nữ và các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, trọng tâm trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính.

Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV – SMEs) do phụ nữ làm chủ ngày càng phát triển tại Việt Nam

1. Các doanh nhân nữ ngại rủi ro trong tìm kiếm tài trợ hơn so với các doanh nhân nam

Khoảng một nửa chủ doanh nghiệp nữ và nam cho rằng thời điểm tốt để nộp đơn xin vay vốn là khi họ có một ý tưởng kinh doanh có thể thành công và cần tài trợ vốn. Một phần ba chủ doanh nghiệp nữ và nam muốn nộp đơn xin vay vốn ngân hàng khi họ đã có doanh thu tốt và biết rằng có cầu về sản phẩm/dịch vụ của họ.

Mặc dù không có sự khác biệt về mức độ chấp nhận rủi ro liên quan đến các khoản vay ngân hàng, các nghiên cứu cho thấy phụ nữ tiếp cận rủi ro khác với nam giới do họ tập trung vào các mục tiêu dài hạn và ý thức về rủi ro cao hơn. Nói cách khác, phụ nữ có xu hướng đo lường và phân tích rủi ro tỉ mỉ hơn, thay vì chỉ đơn giản làm theo trực giác của họ.

2. Phụ nữ chỉ tập trung vào các hoạt động kinh doanh nhỏ như “công việc tay trái”

Theo số liệu tổng điều tra hơn 181.000 doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê năm 2015, doanh thu bình quân của các DNNVV do phụ nữ và nam giới lãnh đạo là rất tương đồng. Các doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ lãnh đạo có doanh thu bình quân hàng năm là 548.000 USD so với 543.000 USD của các doanh nghiệp nhỏ do nam giới lãnh đạo. Đối với các doanh nghiệp vừa, các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo có doanh thu bình quân là 5,69 triệu USD so với 5,76 triệu USD của các doanh nghiệp do nam giới lãnh đạo.

Nếu lấy doanh thu làm cơ sở đo lường quy mô của doanh nghiệp thì phụ nữ và nam giới sở hữu các doanh nghiệp có quy mô rất tương đồng. Đồng thời, các doanh nghiệp do phụ nữ và nam giới làm chủ đều có kế hoạch kinh doanh rất giống nhau cho hai năm tới, tập trung vào gia tăng sản xuất (78% phụ nữ so với 77% nam giới) và giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới (12% phụ nữ và 10% nam giới).

3. Phụ nữ có con không có thời gian để lãnh đạo doanh nghiệp

Trên 90% phụ nữ tham gia khảo sát đã kết hôn hoặc đã từng kết hôn trước đây. Mặc dù trách nhiệm gia đình là quan trọng và được xem là một thách thức đối với một số chủ doanh nghiệp nữ, phần lớn chủ doanh nghiệp nữ được phỏng vấn đều có thể cân đối được trách nhiệm với doanh nghiệp và gia đình bằng cách chủ yếu dựa vào hỗ trợ của gia đình và bên ngoài. Hạn chế về thời gian và trách nhiệm gia đình là các thách thức được các doanh nhân nữ đề cập đến ít nhất.

Ngày càng có nhiều phụ nữ khởi nghiệp và xây dựng doanh nghiệp khi còn độc thân và tạo dựng một đội ngũ mà họ có thể dựa vào sau này – trong khảo sát này, các nữ chủ doanh nghiệp nhỏ có bình quân 30 lao động. Ngoài ra, bằng chứng8 cho thấy việc làm mẹ đem lại một số lợi ích cho các chủ doanh nghiệp như gia tăng khả năng làm việc dưới áp lực, đàm phán hiệu quả hơn (bởi vì động lực lớn hơn) và bền bỉ hơn trước những thăng trầm.

4. Phụ nữ có những ưu tiên khác và ít có khả năng trả nợ hơn so với nam giới

Một nhận thức khác về các doanh nhân nữ là khi họ có gia đình riêng, họ có quá nhiều ưu tiên khác mà họ có thể đặt lên trên việc hoàn trả các khoản vay kinh doanh. Các phát hiện từ khảo sát cho thấy điều này là không đúng, với các ngân hàng báo cáo tỷ lệ nợ xấu của các chủ doanh nghiệp nữ thấp hơn (một ngân hàng báo cáo tỷ lệ nợ xấu của các DNNVV do phụ nữ làm chủ là 0,95% so với tỷ lệ 2,17% của các DNNVV do nam giới làm chủ) và phụ nữ thường là những khách hàng vay vốn cẩn trọng hơn so với nam giới.

5. Phụ nữ chỉ làm việc trong các doanh nghiệp gia đình và phần lớn do nam giới làm chủ

Một nhận thức phổ biến tại Việt Nam là phụ nữ phần lớn làm việc trong các doanh nghiệp gia đình và rằng mặc dù phụ nữ có thể quản lý một doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp đó thường do nam giới làm chủ. Trong khảo sát này, trong số 322 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, chỉ có 8% là được sở hữu bởi hoặc cùng với một thành viên gia đình của quản lý cấp cao nhất, và chỉ có 3% là do nam giới sở hữu đa số.

6. Phụ nữ cần được đào tạo về tài chính nhiều hơn so với nam giới

Một quan niệm sai lầm phổ biến là phụ nữ có kỹ năng quản lý tài chính kém hơn và cần đào tạo bổ sung về tài chính. Đây là một quan điểm chung của các nhân viên ngân hàng và thậm chí là của một số doanh nhân nữ.

Tuy nhiên, khảo sát này cho thấy cả phụ nữ và nam giới đều tin tưởng rằng họ cần mức hỗ trợ quản lý tài chính như nhau, và vấn đề liên quan nhiều hơn đến việc phụ nữ không thích sự kéo dài và tính phức tạp của các mẫu biểu và quy trình xin vay vốn ngân hàng.

Điều này phù hợp với kinh nghiệm quốc tế rằng nhìn chung phụ nữ ít hài lòng với các ngân hàng và cố vấn tài chính của họ hơn so với nam giới, và có mức độ tự tin thấp hơn và nghi ngờ nhiều hơn về độ nhạy bén tài chính và khả năng diễn giải các thuật ngữ tài chính của chính họ.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ có xu hướng yêu cầu nhiều thông tin hơn trước khi đưa ra quyết định và muốn đảm bảo rằng họ hiểu mọi vấn đề, trong khi đó, nam giới thường ra quyết định với ít thông tin hơn. Điều này khiến phụ nữ có vẻ ít hiểu biết hơn đối với các nhân viên ngân hàng mà họ đang giao dịch và trong nhận thức của chính họ.

Một báo cáo của Wells Fargo công bố vào tháng 7 năm 2017 cho thấy nhìn chung phụ nữ cảm thấy ít tự tin về khả năng đầu tư của họ hơn so với nam giới, mặc dù phụ nữ thường có nhiều kinh nghiệm tài chính hơn là bản thân họ tự đánh giá.

Trong trường hợp của Việt Nam, vấn đề này sẽ dễ dàng được giải quyết vì sự khác biệt về giới trong giáo dục là rất nhỏ ở tất cả các cấp (hơn 75% nữ doanh nhân được phỏng vấn trong mẫu của chúng tôi có bằng đại học) và đặc biệt vì phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn trong lĩnh vực tài chính. Theo một thành viên được phỏng vấn, “Giám đốc Tài chính (CFO) là công việc của phụ nữ tại Việt Nam.”

7. Doanh nhân nữ không có thời gian cho học hỏi và xây dựng mạng lưới

Phụ nữ mong muốn tăng cường kỹ năng kinh doanh và sẵn sàng sắp xếp thời gian cho việc này. Họ có xu hướng tìm kiếm lời khuyên từ những người phụ nữ mà họ không có quan hệ họ hàng. Phụ nữ quan tâm đến các chương trình xây dựng năng lực thực tiễn để cải thiện kỹ năng kinh doanh (xây dựng thương hiệu, tiếp thị và hơn hết là quản lý nhân viên) và sẵn sàng chi trả 130 USD một tháng cho các khóa đào tạo có chất lượng cao. Một số mạng lưới và nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện đang hoạt động và phổ biến tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nhìn chung đang hỗ trợ phụ nữ làm kinh doanh. Mặc dù Việt Nam tự hào có truyền thống lâu đời về việc phụ nữ tham gia hoạt động kinh doanh so với nhiều nền kinh tế tương tự, tuy nhiên lại có ít sự khác biệt giữa địa vị pháp lý của nam giới và phụ nữ. Hãy từ bỏ những quan niệm sai lầm trên, để đưa vị trí của Nữ doanh nhân về đúng giá trị và tầm vóc xứng đáng.

Theo báo cáo của IFC (Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Nhận thức và Tiềm năng)

IFC (Institute Finance Corporation): là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank), tạo ra cơ hội cho người dân thoát khỏi đói nghèo và cải thiện cuộc sống. Chúng tôi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở các quốc gia đang phát triển bằng cách hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân, huy động vốn tư nhân và cung cấp các dịch vụ tư vấn và giảm nhẹ rủi ro cho các doanh nghiệp và chính phủ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *