10 nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của nhà lãnh đạo

10 nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của nhà lãnh đạo

Đây là những sai lầm hay mắc phải nhất của các nhà lãnh đạo và sẽ phá huỷ tất cả những thành quả mà bạn cố gắng xây dựng. Do vậy, biết được điều gì không nên làm cũng cần thiết như biết việc gì nên làm.

nhà lãnh đạo
From: Freepik

1. Không có khả năng tổ chức, sắp xếp các chi tiết

Người lãnh đạo tốt cần biết cách tổ chức, tìm hiểu và hiểu được tất cả những chi tiết dù là nhỏ nhất. Không có nhà lãnh đạo nào thật sự “quá bận rộn“ đến mức không thể làm bất cứ điều gì trong phạm vi chức trách của mình.

Nếu ai đó, cho dù là lãnh đạo hay nhân viên, nói rằng vì quá bận nên không thể thay đổi kế hoạch của mình hay chú ý đến những vấn đề cấp bách khác tức là họ thừa nhận sự hạn chế của mình.

Muốn thành công, người lãnh đạo cần biết làm chủ mọi chi tiết liên quan đến công việc của mình và nhân viên dưới quyền, và dĩ nhiên để làm được điều này anh ta cần phải biết sử dụng những người trợ lý đắc lực giúp việc cho mình hay ủy thác công việc cho những cộng sự đáng tin cậy khác.

2. Không sẵn lòng làm những việc “thấp kém“

Những người lãnh đạo giỏi thật sự luôn sẵn sàng làm những việc họ muốn người khác thực hiện khi hoàn cảnh yêu cầu họ làm vậy. ”Người vĩ đại nhất là đầy tớ của tất cả mọi người” là chân lý mà tất cả những nhà lãnh đạo có tài đều tuân thủ và tôn trọng.

Nếu bạn cho rằng Lãnh đạo chỉ làm những việc “to như bánh xe bò” và không cần đụng tới các việc nhỏ của nhân viên cấp dưới, thì bạn có thể đang phạm sai lầm.

3. Mong muốn được trả công cho những thứ họ “biết“ thay vì sử dụng nó để làm việc

Thế giới này không trả tiền cho những gì bạn nói trong khi người khác làm, ngoại trừ bạn được công nhận là một nhà tư vấn chuyên nghiệp.

Những gì người lãnh đạo biết cần truyền tải và vận dụng vào các công việc cụ thể, triển khai biến ý tưởng thành các giá trị thực tiễn.

4. Lo sợ cạnh tranh với cấp dưới

Nếu vị sếp nào lo sợ nhân viên giỏi hơn và thay thế mình thì chắc chắn điều đó trước sau gì cũng sẽ đến. Người lãnh đạo tài ba luôn sẵn lòng đào tạo, huấn luyện lớp người kế cận để có thể ủy thác và giao phó trách nhiệm công việc cụ thể.

Chỉ bằng cách đó, người lãnh đạo mới có thể “phân thân“ ở nhiều nơi và chú ý nhiều việc khác nhau cũng một lúc.

Có một sự thật luôn đúng là người lãnh đạo có khả năng khuyến khích người khác làm việc bao giờ cũng được trả công nhiều hơn so với số tiền kiếm được nếu họ tự làm việc đó.

Người lãnh đạo tài năng sẽ sử dụng kiến thức và sức hút cá nhân với những người xung quanh để nâng cao hiệu quả làm việc của người khác, khiến họ làm việc nhiều hơn và tốt hơn những điều họ có thể làm nếu không có sự trợ giúp này.

5. Thiếu trí tưởng tượng

Trí tưởng tượng giúp lãnh đạo “nhìn thấy” tương lai, nắm bắt cơ hội tiềm năng cũng như ươca lượng các rủi ro tiềm tàng.

Nếu thiếu trí tưởng tượng, người lãnh đạo sẽ không thể đối mặt với những tình huống bất ngờ xảy ra và lập kế hoạch hướng dẫn cho cấp dưới thực hiện một cách hiệu quả.

6. Tính ích kỷ

Đó là mẫu người luôn giành về mình tất cả những vinh quang, phần thưởng từ công việc đã hoàn thành mà không hiểu rằng nhân viên của mình có thể cảm thấy bất công.

Người lãnh đạo thông minh sẽ không ham mê vinh quang. Người lãnh đạo cần hiểu rằng mọi người sẽ làm việc tốt hơn nữa nếu họ được khen ngợi và đánh giá cao chứ họ không chỉ đơn thuần làm việc vì tiền.

7. Không có khả năng kiềm chế

Chẳng có nhân viên nào lại tôn trọng người lãnh đạo không biết kiềm chế. Thêm nữa, sự thiếu kiềm chế dưới bất kỳ hình thức nào đều có thể phá hủy khả năng lãnh đạo lâu dài của bất cứ ai.

Ngày nay, lãnh đạo phải mang nhiều yếu tố cảm xúc theo nghĩa có khả năng kiểm soát. Năng lực trí tuệ cảm xúc – EQ ngày càng được đánh giá cao, giúp lãnh đạo vượt qua được các cảm xúc nhất thời.

8. Bất trung

Lẽ ra đặc điểm này phải đứng đầu trong danh sách các sai lầm của các nhà lãnh đạo. Người lãnh đạo không trung thành với niềm tin và nhiệm vụ của họ, với cấp trên hay cấp dưới, thì không thể giữ vai trò lãnh đạo lâu dài.

Người ta sẽ luôn khinh thường những người đánh mất sự tín nhiệm. Việc không trung thành với lời nói và việc làm chính là một trong những  nguyên nhân dẫn đến thất bại trong mọi lĩnh vực khác nhau của đời sống.

9. Độc đoán

Người lãnh đạo tài ba không nên khiến cho nhân viên cấp dưới của mình sợ hãi. Những người lãnh đạo thích dùng “quyền lực“ để gây sức ép với nhân viên đã trở nên lỗi thời.

Nếu là một nhà lãnh đạo thật sự, bạn không cần phải “quảng cáo” những thế mạnh của bản thân. Hãy đạt được những điều đó bằng cách thể hiện sự hiểu biết, cảm thông, trung thực, công minh và sự hiểu biết về công việc của mình.

10. Quá coi trọng danh hiệu

Không nhất thiết phải có danh hiệu thì người lãnh đạo mới được nhân viên của mình tôn trọng. Người quá coi trọng danh hiệu thường không có gì ngoài thứ ấy.

Những cánh cửa đi đến văn phòng của các nhà lãnh đạo thực sự luôn mở rộng cho bất kì ai mong muốn bước vào mà không cần thủ tục hay lễ nghi khoa trương gì cả.

Trích: Nghĩ giàu làm giàu – Napoleon Hill

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *